Hơn 15.000 tỉ đồng xây cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4

Cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ) và cầu Thủ Thiêm 4 (Thành phố Thủ Đức và quận 7) tổng vốn hơn 15.000 tỉ đồng, được xúc tiến chuẩn bị đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
 
Cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 nằm trong số 12 dự án trọng điểm dự kiến triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) ở TPHCM vừa được Sở GTVT đề xuất bố trí kinh phí để làm công tác chuẩn bị đầu tư từ năm nay.
 
Cụ thể, dự án cầu Cần Giờ nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TPHCM dài hơn 3,6 km với 6 làn xe.
 
hon-15-000-ti-dong-xay-cau-can-gio-va-cau-thu-thiem-4
 
Công trình này được đề xuất từ năm 2015 nhưng không nằm trong quy hoạch giao thông nên TPHCM phải chờ lấy ý kiến các sở, ngành rồi trình Thủ tướng xem xét. Đến năm 2016, Thủ tướng đồng ý giao Bộ GTVT rà soát, bổ sung dự án này vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai.
 
TPHCM sau đó tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế cầu. Phương án được chọn là cầu dây văng 1 trụ tháp với ý tưởng kiến trúc cây cầu phác họa hình tượng cây đước - đặc trưng của huyện Cần Giờ, sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.
 
Theo Sở GTVT TPHCM, cầu Cần Giờ sẽ được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với 9.982 tỉ đồng. Trong đó, nhà đầu tư bỏ chi phí xây lắp, ngân sách thành phố chi gần 4.000 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
 
Công trình dự kiến thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2022 - 2023, khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2028.
 
Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TPHCM với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
 
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức) với quận 7, quy mô 6 làn xe.
 
Công trình được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 5.300 tỉ đồng. Tương tự cầu Cần Giờ, nhà đầu tư sẽ bỏ chi phí xây lắp, còn ngân sách TPHCM sẽ bố trí 1.900 tỉ đồng giải phóng mặt bằng.
 
Cầu Thủ Thiêm 4 được đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2024-2028 nhằm giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, Thành phố Thủ Đức qua các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị mới Nam TPHCM.

 

Nguồn: Internet

Thưởng thức hạnh phúc không giới hạn trên du thuyền

Prev

TPHCM khởi động dự án cầu Cần Giờ gần 10.000 tỉ đồng

Next

Sài Gòn và thú chơi Du Thuyền